Theo báo cáo mới nhất từ AIGCC, chỉ 12% nhà đầu tư có kế hoạch đẩy mạnh phát triển vào các giải pháp chống biến đổi khí hậu. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu dữ liệu báo cáo về mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0, định nghĩa và khung pháp lý rõ ràng cho mục tiêu, thiếu công cụ để đo lường các tác động xanh. Hãy cùng WR1 tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé
Theo AIGCC (Asia Investor Group on Climate Change), để đạt mục tiêu Net-zero vào năm 2025 châu Á cần 71 nghìn tỷ USD đầu tư.
Báo cáo khảo sát của AIGCC ghi nhận, có khoảng 70% trong số 200 nhà đầu tư trên khắp châu Á cho rằng biến đổi khí hậu vừa tạo ra rủi ro và cơ hội. 40% nhà đầu tư đặt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 cho toàn bộ hoặc một phần danh mục đầu tư của họ. Chỉ 12% nhà đầu tư có kế hoạch tăng rót tiền vào các giải pháp chống biến đổi khí hậu đây là khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, AIGCC cho biết.
Rào cản lớn nhất ngăn nhà đầu tư phân bổ vốn cho các khoản chống biến đổi khí hậu là việc thiếu dữ liệu khí hậu chính xác, đáng tin cậy và những thông tin cập nhật kịp thời từ chính phủ.
Việc thiếu định nghĩa và khung pháp lý rõ ràng cho mục tiêu Net-Zero, thiếu công cụ để đo lường và báo cáo về mục tiêu Net-Zero cũng là những nguyên nhân cản trở các nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động.
Trong những giải pháp khí hậu khác nhau, các nhà đầu tư châu Á đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường tiếp xúc với năng lượng tái tạo (63%), lưu trữ năng lượng (40%), vận tải carbon thấp (40%) và nhiên liệu phát thải thấp như hydro (40%).
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính riêng Đông Nam Á cần đầu tư khoảng 180 tỉ USD năng lượng sạch hàng năm cho đến năm 2030 để duy trì mức quỹ đạo phù hợp với các mục tiêu khí hậu trong khu vực. Giai đoạn 2016 – 2020, đầu tư vào năng lượng sạch ở Đông Nam Á chỉ đạt mức trung bình 30 tỉ đô la mỗi năm.
Báo cáo cũng cho biết thêm, chỉ hơn 28% nhà đầu tư đặt chính sách về tài chính chuyển tiếp (transition finance) cũng như giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đây là khoản đầu tư nhằm khử carbon ở các ngành công nghiệp phát thải cao như thép, hàng không và vận tải biển.
Rủi ro và cơ hội về khí hậu cũng là rủi ro và cơ hội tài chính, bà Rebecca Mikula-Wright, CEO của AIGCC cho biết thêm: “Chủ sở hữu tài sản, với tư cách là người quản lý vốn, nắm quyền đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Bây giờ là lúc để họ hành động để chuyển tiếp, không chỉ danh mục đầu tư của họ mà toàn bộ nền kinh tế, hướng đến mục tiêu Net-Zero”.