Không gian văn phòng tại các chi nhánh WR1 không chỉ là nơi kết nối công việc và sáng tạo, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử thiêng liêng – khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Hai bức mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử “Đường mòn Hồ Chí Minh” và “Thương cảng Vân Đồn” được trưng bày trang trọng như lời nhắc nhớ về cội nguồn, về sự đóng góp to lớn của tổ tiên ta trong việc hình thành và phát triển ngành vận tải – nền móng cho lĩnh vực logistics Việt Nam hiện đại.
Đây là hai trong số những tác phẩm thuộc bộ tranh “Tổ nghiệp ngành Logistics Việt Nam” đầy tâm huyết của InterLOG & WR1, nhằm lan tỏa tinh thần kính nghiệp, tự hào dân tộc trong từng bước phát triển.
Đường mòn Hồ Chí Minh – Từ huyết mạch chiến lược đến biểu tượng mạng lưới logistics hiện đại
Tác phẩm “Đường mòn Hồ Chí Minh – Huyết mạch vận tải mang dấu ấn lịch sử” được phác thảo bởi đại diện WR1 HCM dưới sự định hướng của anh Nguyễn Duy Minh – Tổng Giám đốc và hoàn thiện bởi họa sĩ Trần Lâm.
Bức tranh tái hiện sinh động tuyến vận tải huyền thoại Đường mòn Hồ Chí Minh – một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” nơi tiếp vận giữa hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam trong suốt 16 năm chiến tranh khốc liệt (1959 – 1975).
Với hơn 20.000 km đường ô tô, 1400 km đường ống xăng dầu, 3140 km đường kín cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm do bộ đôi Trường Sơn (trước năm 1963 được gọi là Đoàn 559) xây dựng, đường mòn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật… Một hệ thống hậu cần vĩ đại thể hiện ý chí, sáng tạo và trí tuệ Việt Nam trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Bức tranh đã tái hiện sinh động hình ảnh những đoàn quân, đoàn người, những chiếc xe vận tải vượt rừng, băng suối trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Cũng trên tuyến đường này, quân và dân ta đã thực hiện từ phương thức đi bộ, gùi thồ sơ khai những năm đầu, đến việc vận chuyển hàng hóa bằng xe cút kít do bộ đội Trường Sơn chế tạo. 2 năm sau đó chuyển sang vận chuyển bằng bằng xe ô tô vận tải.
Điểm nhấn đặc biệt của bức tranh là hình ảnh những đoàn xe ô tô lưu thông trên một cây cầu, được mô tả lại từ phiên bản cầu cáp 10 dây dài 240m bắc ngang sông Đáy đảm bảo cho xe trọng tải đến 12 tấn đi qua, bên cạnh là cây cầu cũ đã bị bom địch phá vỡ thể hiện khả năng ứng biến, giải pháp kỹ thuật sáng tạo trong điều kiện gian khổ của bộ đội Trường Sơn.
Không chỉ là một công trình giao thông, đường mòn Hồ Chí Minh còn là biểu tượng của tinh thần sáng tạo, ý chí kiên cường và trí tuệ vượt khó của quân và dân ta. Mỗi cung đường, mỗi khúc quanh trong bức tranh đều là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết và lòng yêu nước sâu sắc – những yếu tố đã làm nên một hệ thống hậu cần vững chắc giữa rừng núi hiểm trở.
Tổ tiên ta, bằng trí tuệ và sức người, đã kiến tạo nên một mô hình vận tải đầy sáng tạo trong điều kiện chiến tranh khốc liệt – đặt nền móng cho tinh thần của “nghề vận tải” Việt Nam – linh hoạt, thông minh và đầy bản lĩnh.
Với WR1, đây không chỉ là một bức tranh lịch sử, mà còn là biểu tượng của tư duy vượt thời đại, truyền cảm hứng cho chính tập thể InterLOG & WR1 trong việc xây dựng ngành logistics bằng trí tuệ và niềm tự hào dân tộc.
Trong niềm hân hoan kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2025) đang đến gần, việc giới thiệu bức tranh này càng thêm phần ý nghĩa. WR1 mong rằng, bức tranh sẽ không chỉ khơi gợi niềm tự hào về một trang sử vàng son cho những người đã đặt viên gạch đầu tiên của nghề vận tải mà còn nhắc nhở về lịch sử dựng nước giữ nước, tri ân các anh hùng dân tộc và những con người Việt Nam đã hi sinh cho nền hòa bình độc lập của nước nhà.
Thương cảng Vân Đồn – Tư duy logistics từ thế kỷ XI
Bức tranh “Thương cảng Vân Đồn – Nền móng giao thương quốc tế” đưa chúng ta trở về với một thương cảng phồn thịnh, một minh chứng hùng hồn cho tư duy logistics vượt thời gian của tổ tiên ngành vận tải.
Vân Đồn trên bến dưới thuyền trao đổi hàng hóa trong nước và quốc tế và trở thành chợ phiên sầm uất trên vùng biển đảo, một hải cảng hưng thịnh kéo dài 3 vương triều của Nhà nước phong kiến Đại Việt từ Lý, Trần, Lê.
Tọa lạc tại vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh, với địa hình giao thương thuận lợi, Vân Đồn kiêu hãnh ghi dấu ấn lịch sử khi chính thức trở thành thương cảng quốc tế đầu tiên của nước Đại Việt vào năm 1149 dưới triều vua Lý Anh Tông.
Thương cảng Vân Đồn đạt đến đỉnh cao phát triển rực rỡ vào thế kỷ XIII – XIV dưới thời nhà Trần, trở thành trung tâm giao thương huyết mạch phát triển mạnh và mở rộng quan hệ với nhiều nước như: Nhật Bản, Mông Cổ, Chà Bồ, Philippines và các nước châu Âu. Không chỉ là một đầu mối kinh tế sầm uất, Vân Đồn còn là một căn cứ quân sự chiến lược, nơi ghi dấu những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, tiêu biểu là chiến thắng Bạch Đằng Giang lẫy lừng năm 1288.
Thời Lê, sau khi giành được độc lập đã thi hành nhiều chính sách khắt khe đối với ngoại thương, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, Vân Đồn dần suy yếu và mất đi vai trò thương cảng quốc tế.
Bức tranh tái hiện vẻ đẹp sầm uất của thương cảng Vân Đồn, với tàu buôn buôn bán, giao thương tấp nập. Qua đó cho thấy rằng người Việt đã hình thành tư duy quản lý chuỗi cung ứng, giao nhận – phân phối hàng hóa từ rất sớm, dù chưa gọi bằng thuật ngữ hiện đại như “logistics” ngày nay.
Với WR1, Vân Đồn gợi nhắc về một thời kỳ mở cửa, hội nhập và phát triển hệ sinh thái logistics bền vững, nơi vận tải không chỉ là dịch vụ mà còn là cầu nối kinh tế – văn hóa, là nền tảng để Việt Nam vươn ra quốc tế.
Kết nối lịch sử – Dựng xây tương lai ngành logistics
Hai bức tranh – hai dấu ấn lịch sử – không chỉ là điểm nhấn nghệ thuật tại văn phòng WR1, mà còn là biểu tượng cho tinh thần kính nghiệp, niềm tự hào nghề nghiệp, tiếp thêm động lực cho thế hệ hiện tại trong hành trình phụng sự ngành logistics và góp phần phát triển đất nước.
Chúng tôi tin rằng, mỗi hành trình của ngày hôm nay đều nối dài từ nền móng quá khứ. Và với mỗi bước tiến, WR1 luôn ghi nhớ công lao của những người đi trước – những “người mở đường” vĩ đại của ngành vận tải Việt Nam.