Tin Tức

Cước vận chuyển hàng hóa tiếp tục leo thang

Xung đột tại khu vực Biển Đỏ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tình trạng giá cước vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu  Âu vẫn tiếp tục leo thang. Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam trong tuần đầu tháng 1/2024, cước vận tải biển hàng container từ châu Á sang châu  Âu, châu Mỹ đã tăng khoảng 60% so với thời điểm cuối năm 2023. Đồng thời, cước vận tải đường hàng không cũng biến động tăng 10%.
Cước vận chuyển hàng hóa tiếp tục leo thang
Cước vận chuyển hàng hóa tiếp tục leo thang
Do những xung đột tại khu vực Biển Đỏ, tàu vận chuyển hàng hóa từ châu Á đi châu  Âu và ngược lại không thể di chuyển qua kênh đào Suez mà phải thay đổi tuyến đường đi qua Mũi Hảo Vọng khiến hành trình kéo dài từ 10 – 14 ngày so với trước, làm phát sinh thêm nhiều chi phí vận chuyển, dẫn tới tăng giá vận chuyển và có thể xảy ra hiện tượng thiếu container.
Nhằm rút ngắn thời gian giao hàng từ Việt Nam sang châu  Âu, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi hình thức vận chuyển sang đường hàng không. Điều này cũng đã tác động làm tăng 10% giá cước cho hình thức vận chuyển này.

Biến động cước vận chuyển bằng đường hàng không

Theo số liệu nhận được từ các công ty logistics, hiện có khoảng 28% thương mại container trên toàn cầu vận chuyển qua kênh đào Suez và biển Đỏ với mặt hàng chủ yếu là đồ nội thất, gia dụng và quần áo.
Tổng giám đốc Vietjet Cargo, ông Đỗ Xuân Quang cho biết có sự biến động về giá cước vận chuyển đường hàng không với đường bay quốc tế đến châu  Âu, điển hình giá cước từ 2 USD/kg nay tăng lên 4 USD/kg.
Đối với các hãng hàng không tại Việt Nam, Vietnam Airlines đang là hãng bay được hưởng lợi nhiều nhất khi duy trì các đường bay từ Việt Nam đến châu  Âu. Bamboo Airways đang trong quá trình tái cơ cấu nên đã tạm dừng các chuyến bay châu  Âu, Vietjet thì chưa có chuyến bay châu  Âu.
Trong khi cước vận tải hàng không tăng 10%, vẫn có doanh nghiệp chấp nhận mức chi phí cao này để giữ đơn hàng giao đúng hẹn với đối tác.

Cước vận tải biển tăng nóng

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam trong tuần đầu tháng 1/2024, cước vận tải biển hàng container từ châu Á sang châu  Âu, châu Mỹ đã tăng khoảng 60% so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Việt Nam, theo thống kê từ các hãng tàu giá cước vận tải biển sang châu  Âu, châu Mỹ có biến động, giá cước đi cảng khu vực Đông Mỹ 3.900 USD/container 40 feet, khu vực Tây Mỹ là 2.650 USD/container 40 feet, đi châu  Âu 4.900 USD/container 40 feet.
Mức giá tăng mạnh hơn khoảng 88% so với trước đại dịch COVID-19 và thấp hơn khoảng từ 1-2% mức giá trung bình của 10 năm gần đây.
Đại diện VLA – Hiệp hội các doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết phía hiệp hội sẽ gặp các hãng tàu lớn để trao đổi và cân đối lại mức chi phí, đề xuất các tuyến vận tải thay thể nhằm giảm bớt sự leo thang về giá cước vận chuyển. VLA khuyến nghị doanh nghiệp khi thực hiện ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên thêm điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp.
Đồng thời, nên mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa gặp sự cố trên tuyến đường vận chuyển hoặc kéo dài thời gian vận chuyển .
Để xác nhận rõ thông tin về cước vận tải container tại Việt Nam và tác động của việc tăng cước vận tải đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Cục Hàng hải Việt Nam đã gửi văn bản giao đến các Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, TP.HCM, Vũng Tàu phối hợp cùng với các chi cục hàng hải để làm việc với các hãng tàu có tuyến dịch vụ đến châu  Âu, châu Mỹ nhằm đánh giá mức biến động giá cước vận chuyển, tình hình vận tải, khả năng cung cấp nguồn cung tàu ra thị trường.
Đồng thời, tiến hành kiểm tra và giám sát công tác niêm yết giá dịch vụ vận chuyển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container theo đúng quy định.
Nguồn: Tuổi trẻ
Zalo Wr1